Cách Tôi đã đưa Website vào Top 10 Google chỉ với 6 Bài Viết (Case Study)

Bình luận · 540 Lượt xem

Bạn có thể đoán số lượng bài viết giúp tôi đưa website lên top 10 Google không? <br> <br>Vâng, bạn sẽ nói 6 vì tôi đã đề cập trong tiêu đề của bài viết này. <br> <br>Có thể bạn không tin nhưng đó là sự thật, chỉ cần nhìn vào

Bạn có thể đoán số lượng bài viết giúp tôi đưa website lên top 10 Google không?

Vâng, bạn sẽ nói 6 vì tôi đã đề cập trong tiêu đề của bài viết này.

Có thể bạn không tin nhưng đó là sự thật, chỉ cần nhìn vào hình ảnh phía dưới.

Nó cho thấy số lượng bài viết tôi đã xuất bản trước đây.

Đưa website vào Top 10 Google với 6 bài viết đã đăng

Làm sao biết trang web của tôi nằm trong top 10 Google ở một số từ khóa nhất định?

Hai hình ảnh minh họa sau đây sẽ cho bạn thấy điều này.

Từ khóa Tổng Quan Về Digital Marketing và Tìm Hiểu Về Digital Marketing được đưa vào TOP 10 Google
Hình ảnh màn hình được tôi chụp vào 1:14 AM, ngày 13/07/2018
Tổng quan về digital marketing cho người mới bắt đầu - TOP 6
Hình ảnh màn hình (trình duyệt ẩn danh) được tôi chụp vào 1:19 AM, ngày 13/07/2018

Nếu bạn quan tâm về marketing, bạn cũng biết digital marketing dần nổi lên như một ngành siêu cạnh tranh? Tôi viết blog về nó!

Vì vậy, bạn đang tự hỏi tôi đã đưa blog lên top 10 Google bằng cách nào?

Bạn cho rằng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết điều gì đó về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm?

Không đâu! Đúng hơn là hướng dẫn tiếp cận SEO với nội dung sâu sắc.

Khi bắt đầu blog này và các bài viết, tôi không nghĩ nhiều về xếp hạng.

Đúng vậy, khi đó tôi đang tìm phương pháp để hệ thống hóa kiến thức của bản thân mình.

Và tôi chọn viết blog.

Bây giờ, tôi có một câu hỏi nhỏ:

Giả sử bạn đưa được website vào trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm thì mục đích cuối cùng của bạn là gì?

Chắc chắn với tôi rằng, đó không phải là theo dõi lưu lượng truy cập và ngắm cho vui!

Bởi vậy, tôi có một quy trình giúp bạn làm hài lòng đối tượng mục tiêu và chuyển đổi họ thành khách hàng tiềm năng.

Tư vấn marketing cho trường mầm non

Quy trình chuyển đổi đối tượng mục tiêu thành khách hàng tiềm năng - Pham Dinh Quan Blog

Đây là quy trình 8 bước giúp website của tôi được mọi người tìm thấy trên Google và cách tôi làm hài lòng họ:

Mục Lục Nội Dung [Ẩn]

  • Bước 1: Nhắm đối tượng mục tiêu
  • Bước 2: Xác định chủ đề phù hợp
  • Bước 3: Hiểu ý định tìm kiếm và Nghiên cứu từ khóa
    • 3.1 Hiểu ý định của người tìm kiếm
    • 3.2 Nghiên cứu từ khóa
      • 3.2.1 Tự động đề xuất
      • 3.2.2 Tìm kiếm có liên quan
      • 3.2.3 Mọi người cũng tìm kiếm
  • Bước 4: Xây dựng mục lục nội dung bài viết
  • Bước 5: Triển khai nội dung bài viết
    • 5.1 Mở bài
      • 5.1.1 Mở bài trực tiếp
      • 5.1.2 Mở bài gián tiếp
    • 5.2 Thân bài
    • 5.3 Kết luận
  • Bước 6: Kiểm tra nội dung bài viết
  • Bước 7: Tối ưu các thẻ tiêu đề, hình ảnh và liên kết
    • 7.1 Tối ưu các thẻ tiêu đề
    • 7.2 Tối ưu các hình ảnh
    • 7.3 Tối ưu các liên kết và đường dẫn bài viết
  • Bước 8: Phân phối nội dung
  • Kết luận

Bước 1: Nhắm đối tượng mục tiêu

Trong nhiều tài liệu và khóa học, mọi người thường được hướng dẫn bước đầu tiên để tạo nội dung SEO là nghiên cứu từ khóa.

Cách làm là chọn các từ khóa có lưu lượng tìm kiếm cao và ít cạnh tranh. Sau đó sắp xếp từ khóa vào trong nội dung với mật độ phù hợp.

Do vậy, nhiều người nghĩ rằng chèn càng nhiều từ khóa vào bài viết thì Google sẽ càng thích nội dung của họ hơn.

Nhưng không, Google trừng phạt những nội dung có mật độ từ khóa quá caonhằm thao túng xếp hạng của một trang web trong kết quả tìm kiếm.

Nếu bạn sử dụng Yoast SEO, mật độ từ khóa tối ưu được đề xuất sẽ nằm trong khoảng 0,5% – 2,5%. Không nên nhồi nhét thêm!

Một thực tế khác, vào năm 2017, SEMrush đã làm nghiên cứu về các yếu tố xếp hạng.

Các yếu tố về từ khóa xếp dưới các yếu tố về độ tín nhiệm và trải nghiệm người dùng

Báo cáo cho thấy rằng, các yếu tố về từ khóa được đẩy xuống dưới các yếu tố liên quan đến độ tín nhiệm (direct website visits, backlinks, HTTPS); trải nghiệm người dùng (time on site, pages per session, bounce rate) và mức độ sâu sắc của nội dung (content length).

Quay lại với tiêu đề của bước này…

Như bạn biết, mọi người sử dụng Google Search vì họ đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ.

Bởi vậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nội dung của mình sẽ hướng đến ai? Họ có những đặc điểm gì? Họ sẽ cần gì?

Hay nói cách khác, chúng ta cần hiểu khán giả của mình trước khi muốn tạo nội dung.

Ví dụ:

Đối tượng mục tiêu của tôi là những người mới bước vào ngành digital marketing. Họ chưa có kiến thức nền tảng, mọi thứ còn mông lung.

Trong lần đầu tiên, tôi không thể đưa đến họ một bài viết chuyên sâu về Google Analytics.

Một số ít có thể nắm bắt nhưng đa phần họ sẽ kéo lướt và thoát khỏi trang, bởi khó hiểu.

Đối tượng mục tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn sẽ chọn chủ đề nào cho phù hợp. Đó là sự kết nối.

Xem lại mục lục

Bước 2: Xác định chủ đề phù hợp

Ở bất kỳ ngành nghề, chúng ta luôn thấy có rất nhiều loại nội dung về kiến thức.

Lựa chọn chủ đề chia sẻ với mong muốn khán giả mục tiêu sẽ đón nhận là điều rất quan trọng và cũng vô cùng khó khăn.

Nếu tổ chức một event cho nhóm đối tượng A mà không có một chủ đề hấp dẫn thì sẽ chẳng có ai mua vé tham dự.

Tương tự khi chúng ta viết blog, lựa chọn chủ đề không phù hợp sẽ dẫn tới chẳng có ai muốn đọc.

Tiếp nối ví dụ ở Bước 1:

Thay vì đưa đến cho người mới các bài viết chuyên sâu về kỹ năng hay công cụ. Tôi sẽ từng bước tạo ra những nội dung mang tính cơ bản hơn như:

– Cách bắt đầu học marketing

– Tổng quan về digital marketing

– Tự học digital marketing như thế nào?

Việc xác định chủ đề tốt cũng giúp bạn dễ dàng có được một tiêu đề bài viết thú vị, tràn đầy cảm hứng.

Ví dụ:

Tôi có một tiêu đề bài viết:“Học cách học để bắt đầu marketing (Step by Step)”.

Thông qua cách tiếp cận như vậy, tôi đem lại cảm hứng cho nhiều người muốn bắt đầu học marketing. Nó đã nhận được 2336 lượt xem và vẫn đang tiếp tục tăng mỗi ngày.

Xem lại mục lục

Bước 3: Hiểu ý định tìm kiếm và Nghiên cứu từ khóa

3.1 Hiểu ý định của người tìm kiếm

Khi thực hiện bài viết đầu tiên trên blog, tôi không nghiên cứu từ khóa.

Kể từ bài viết thứ hai, nó chỉ lấy đi của tôi trung bình 5 đến 10 phút cho mỗi lần.

Bạn đang tự hỏi, tại sao tôi lại dành ít thời gian cho một bước quan trọng như vậy?

Có lẽ một phần đến từ câu chuyện tôi quan tâm đến việc hiểu ý định tìm kiếm của người dùng hơn là chú trọng nhặt từng từ khóa cụ thể.

In the past, SEO was focused on “gaming the system” by manipulating technical aspects of search engines. Today’s SEO is a dynamic of art and science blending technology with the needs of users. – Nguồn: Search Metrics

Tạm dịch: Trong quá khứ, SEO tập trung vào việc “chơi game hệ thống” bằng cách thao tác những khía cạnh về kỹ thuật của các công cụ tìm kiếm. Ngày nay, SEO là sự năng động của nghệ thuật và khoa học, pha trộn công nghệ với nhu cầu của người dùng.

Để biết được ý định tìm kiếm của người dùng, chúng ta không thể ngồi đoán mò.

Mọi thứ phải được tối ưu dựa trên các yếu tố như tâm lý học, hành trình của khách hàng và dữ liệu thực tế.

Nghiên cứu từ khóa dựa trên hành trình khách hàng và yếu tố tâm lý học
Hiểu mục đích tìm kiếm của mọi người thông qua marketing conversion funnel. Nguồn: Loves Data

Dựa vào hình ảnh phía trên, mọi người có thể chia từ khóa thành 3 loại: từ khóa nghiên cứu (research keyword), từ khóa điều hướng (navigation keyword) và từ khóa chuyển đổi (conversion keyword).

  • Từ khóa nghiên cứu: Là từ khóa được sử dụng với mục đích thông tin, tìm kiếm để trả lời câu hỏi hoặc tìm hiểu điều gì đó như khái niệm, cách thực hiện,…

Các truy vấn sử dụng từ khóa nghiên cứu giúp chúng ta biết rằng, người dùng đang tìm cách thu thập kiến thức xung quanh truy vấn của họ.

Ví dụ: “digital marketing”, “digital marketing là gì”, “digital marketing là làm gì”, “digital marketing bao gồm những gì”,…

  • Từ khóa điều hướng: Là từ khóa được thực hiện để tìm kiếm liên quan đến một trang web hay thương hiệu cụ thể.

Các truy vấn sử dụng từ khóa điều hướng giúp chúng ta biết rằng, người dùng đang có sự quan tâm về một website, công ty hoặc thương hiệu được xác định.

Ví dụ: “seongon”, “địa chỉ của vinalink”, “cổng thông tin điện tử của bộ công thương”, “phạm đình quân blog”,…

Từ khóa nghiên cứu (navigational keywords)

  • Từ khóa chuyển đổi: Là từ khóa được thực hiện để mua thứ gì đó hoặc có ý định giao dịch.

Các truy vấn sử dụng từ khóa điều hướng giúp chúng ta biết rằng, người dùng đang sẵn sàng mua sắm hoặc rất quan tâm về sản phẩm / dịch vụ.

Ví dụ: “báo giá quảng cáo trên truyền hình”, “giá iphone 7”, “giá vàng hôm nay”, “mua hosting giá rẻ”,…

Một nội dung để được chuyển đổi thì cần sử dụng linh hoạt từ khóa nghiên cứu kết hợp với từ khóa chuyển đổi.

Hiểu ý định tìm kiếm là quan trọng vì nó giúp bạn đáp ứng nhu cầu của người tìm kiếm.

Đáp ứng nhu cầu của người tìm kiếm có thể dẫn đến lưu lượng truy cập cao hơn, chuyển đổi cao hơn, tỷ lệ thoát thấp hơn và nhiều thời gian hơn trên trang web. Đây cũng là các yếu tố được đánh giá cao về trải nghiệm người dùng.

Bạn càng hiểu rõ ý định của khách hàng, bạn càng dễ dàng nhắm mục tiêu khách hàng thay vì chỉ quan tâm về từ khóa.

Xem lại mục lục

3.2 Nghiên cứu từ khóa

Mọi người thường sử dụng nhiều loại công cụ để thực hiện nghiên cứu từ khóa.

Điều đó là tuyệt vời nếu bạn có thời gian hoặc ngân sách để sử dụng công cụ trả phí.

Tuy nhiên với một người không có nhiều thời gian như tôi, cách tốt nhất tôi làm là dựa theo Google.

Xét cho cùng, Google muốn cung cấp cho người tìm kiếm những kết quả tốt nhất. Điều này có nghĩa họ có thể giúp bạn tạo nội dung hay nhất.

Ba cách tôi thường sử dụng để nghiên cứu từ khóa với Google là Tự động đề xuấtTìm kiếm có liên quan và Mọi người cũng tìm kiếm.

3.2.1 Tự động đề xuất

Sau khi bạn nhập ký tự vào ô tìm kiếm, Google sẽ tự động điền thêm các đề xuất về những gì nó cho rằng bạn có thể đang tìm kiếm.

Ví dụ: Đây là những đề xuất của Google khi tôi bắt đầu muốn tìm kiếm về “digital marketing”.

Tự động đề xuất từ khóa (Auto-suggest)

3.2.2 Tìm kiếm có liên quan

Sau khi gõ một từ khóa và nhấn enter, các trang kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra.

Bạn chỉ cần cuộn xuống cuối trang kết quả tìm kiếm, các tìm kiếm có liên quan sẽ xuất hiện ở đây.

Tìm kiếm có liên quan (Related searches)

3.2.3 Mọi người cũng tìm kiếm

Đối với một số tìm kiếm, Google cũng sẽ cung cấp cho bạn phần “Mọi người cũng tìm kiếm” hoặc “Mọi người cũng hỏi”. Hình ảnh minh họa phía dưới là một ví dụ.

Mọi người cũng tìm kiếm (People also search)

Sau khi sử dụng 3 cách trên, tôi sẽ tổng hợp lại chúng và phân loại để lựa chọn những từ khóa phù hợp nhất với nội dung mình muốn truyền tải thông qua nội dung bài viết.

Tất nhiên rồi, bạn cũng có thể làm giống như tôi. Dễ dàng!

Xem lại mục lục

Bước 4: Xây dựng mục lục nội dung bài viết

Sau khi nhắm đối tượng mục tiêu và xác định được chủ đề phù hợp, tôi tiến hành xây dựng mục lục nội dung cho bài viết.

Nói nôm na, bước này tôi phác thảo ra sườn nội dung chính để có góc nhìn tổng thể về vấn đề muốn trình bày.

Ở bước này, chúng ta cần phải xác định một số vấn đề chính và các vấn đề phụ bên trong đó. Nó cũng tương ứng với các thẻ tiêu đề phụ (H2 - H6).

Table of Contents - Mục lục nội dung là rất cần thiết cho bài viết blog

Khi trình bày, bạn cũng nên đưa mục lục nội dung vào bài viết. Một số lợi ích bạn có thể nhận được:

Về khía cạnh người dùng, họ sẽ thấy được nội dung tổng thể của bài viết. Mặt khác, nó cũng giúp khán giả của bạn dễ dàng tìm được đoạn nội dung họ muốn đọc.

Về khía cạnh tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, sử dụng mục lục nội dung có thể giúp Google hiểu rõ hơn về bài viết của bạn. Nó cũng có thể hiển thị thêm liên kết đến trang web như hình minh họa phía trên.

Nếu bạn đang sử dụng WordPress, bạn có thể cài đặt plugin Table of Contents Plus để hiển thị mục lục nội dung trong bài viết.

Xem lại mục lục

Bước 5: Triển khai nội dung bài viết

Sau tiêu đề, bạn sẽ bắt đầu như thế nào để cuốn hút người đọc tiếp tục kéo xuống?

Tôi thường suy nghĩ rất lâu về điều này, đó thực sự là khó khăn khi bạn không phải là một ‘creative copywriter’ đúng nghĩa.

Và tôi chợt nhớ về những năm tháng học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Vâng, chắc chắn rồi! Ai cũng trải qua, ít nhất là một lần và đa số mọi người đều vậy.

Bạn yêu thích môn Ngữ Văn chứ?

Có thể bạn sẽ không, tôi cũng không chắc mình thích nó.

Trong các bài kiểm tra viết văn, tôi thường chỉ dừng lại ở điểm 6. Có vẻ khá thấp…

Tuy nhiên, kiến thức môn Ngữ Văn giờ đây giúp tôi dễ dàng triển khai nội dung của một bài viết blog.

Nó đơn giản và bao gồm 3 bước nhỏ được tôi trình bày phía dưới.

5.1 Mở bài

Tôi đã từng được dạy rằng, phần mở bài chiếm tới 30% trong tổng điểm của một bài văn.

Tại sao nó được ưu ái về điểm số như vậy? Bởi vì mở bài là phần tạo hứng thú, thu hút và ấn tượng của người viết đối với người đọc.

Thường sẽ có 2 cách mở bài, đó là mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.

5.1.1 Mở bài trực tiếp

Là cách mở bài đi thẳng vào vấn đề muốn đề cập, sau đó đưa ra các luận điểm hoặc nội dung chính sẽ trình bày.

Đặt vấn đề theo cách trực tiếp thường sẽ nhanh gọn, không mất nhiều thời gian suy nghĩ và sáng tạo.

Tuy dễ tiếp cận nhưng cách này thường khô khan cũng như thiếu hấp dẫn với người đọc.

5.1.2 Mở bài gián tiếp

Đây là cách mở bài tôi thường sử dụng, phần đầu bài viết này là một ví dụ.

Cách mở bài này thường tốn nhiều thời gian suy nghĩ, dài dòng và cần mức độ trau chuốt câu từ cao.

Đôi khi, bạn còn cần phải đưa ra những luận cứ trước khi đề cập vào luận điểm và nội dung muốn trình bày.

Mặc dù khó khăn nhưng nếu làm tốt, hiệu quả nó đem lại là vô cùng tuyệt vời.

5.2 Thân bài

Phần thân bài bao giờ cũng là nội dung mà tôi dành nhiều tâm huyết và thời gian nhất.

Dựa theo mục lục nội dung đã lên sẵn ở Step 4, tôi dễ dàng trình bày các vấn đề một cách chi tiết.

Trước khi tiến hành phần thân bài, tôi thường dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu chuyên sâu. Công việc này giúp tôi ở 2 khía cạnh:

Thứ nhất, tôi sẽ có cơ hội bổ sung và hoàn thiện kiến thức còn thiếu.

Thứ hai, tôi tiếp cận được những luận cứ thuyết phục. Chính điều này giúp tôi thêm các liên kết ra bên ngoài (external link) nhanh chóng hơn.

Tôi rất thích cách trình bày từng bước một (step-by-step) hoặc đi từ kiến thức tổng quan / nền tảng đến chi tiết. Điều này giúp khán giả có thể nắm bắt trọn vẹn nội dung tôi muốn truyền tải.

5.3 Kết luận

Đây là phần dễ thở nhất đối với tôi. Kết luận là phần tôi tóm tắt lại nội dung bài viết trong vài câu ngắn gọn. Đây cũng là phần tổng hợp lại các nội dung chính được trình bày trong phần thân bài.

Đôi khi bài viết của bạn quá dài, họ kéo lướt đến cuối trang. Và họ nhìn thấy những nội dung chính phù hợp với nhu cầu, họ sẽ lại kéo lên để đọc đoạn đó.

Theo một nghiên cứu của Backlinko, nội dung chứa nhiều từ có khả năng thích hợp hơn trong thuật toán so với các bài viết ngắn, thiếu chi tiết. Kết quả trang đầu tiên của Google có nội dung trung bình chứa 1.890 từ.

Tôi luôn trình bày nội dung hướng về khán giả, cố gắng đem lại cho họ những bài viết sâu sắc nhất. Bởi vậy, các bài viết của tôi có độ dài trung bình 2.000 từ đến 6.000 từ.

Bình luận