Lịch sử không ủng hộ Việt Nam trước trận đấu UAE

Комментарии · 655 Просмотры

Việt Nam chỉ thắng một và hòa một, trong sáu lần chạm trán trước khi tái ngộ UAE ở vòng loại World Cup 2022 hôm nay 14/11.

Bảng G từ đầu được gọi là bảng của "UAE và các đội Đông Nam Á". Nhưng sau những gì các đội đã thể hiện, có lẽ nên xem lại trật tự ở bảng đấu này

Đơn giản vì UAE không mạnh như người ta nghĩ. Sau ba lượt trận, đại diện tới từ vùng Vịnh đang đứng thứ ba, sau Thái Lan và Việt Nam, và đó là vị trí phản ánh chính xác những gì họ đã thể hiện. Trừ trận thắng 5-0 trước đối thủ yếu nhất bảng là Indonesia, trong cả hai trận đấu còn lại (gặp Malaysia và Thái Lan) UAE đều chỉ ghi được bàn thắng nhờ sự tỏa sáng cá nhân, mà cụ thể là tiền đạo số 7 Ali Mabkhout - người sẽ nghỉ trận gặp Việt Nam vì án treo giò, thay vì là kết quả của những pha dàn xếp ổn định và có ý đồ.

Đó không phải là bộ mặt mà người UAE muốn thấy khi bổ nhiệm HLV Bert van Marwijk. Về danh tiếng, ông có thể được xem là một HLV đẳng cấp thế giới. Ông từng làm việc với nhiều đội bóng lớn ở Hà Lan và Đức, và đặc biệt từng đưa Hà Lan tới trận chung kết World Cup 2010 (thua Tây Ban Nha ở hiệp phụ). Cách đây chưa lâu, Van Marwijk còn dẫn dắt Saudi Arabia giành vé dự World Cup 2018. Người ta kỳ vọng rằng với đẳng cấp và kinh nghiệm của ông, Van Marwijk sẽ xem vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực Châu Á sẽ giống như một cuộc dạo chơi.

Nhưng rõ ràng là người UAE đã nhầm, và Van Marwijk cũng nhầm. UAE có lẽ là tập thể kém chất lượng nhất trong số những đội bóng mà HLV người Hà Lan từng dẫn dắt gần đây. Giữa các cầu thủ tấn công và những cầu thủ phòng ngự của đội bóng này có một khoảng cách khá lớn về mặt trình độ. Và đây có thể là một trong những lý do khi đấu với Thái Lan và Malaysia trên sân của họ, UAE không cố gắng hoặc không thể áp đặt lối chơi cho đúng với tư cách một ông lớn, mà chọn nhường thế trận để chờ cơ hội từ những tình huống phản công nhanh.

Đó là lý do trong hai trận đấu vừa qua, ít khi thấy các cầu thủ UAE tổ chức pressing tầm cao. Khi đối phương có bóng, họ thường lùi hẳn đội hình xuống, có thể trong sơ đồ 4-4-2 hoặc 4-4-1-1, với tiền vệ số 10 Al Amoodi là người chơi ngay phía sau tiền đạo cắm Ali Mabkhout. UAE cũng ít khi cố gắng triển khai bóng một cách tuần tự từ hàng phòng ngự. Chỉ cần có hai cầu thủ của đối phương sẵn sàng gây sức ép là thủ môn của họ sẽ ra hiệu cho các trung vệ dâng cao rồi thực hiện những pha đá dài lên phía trên.

UAE thường phòng ngự với sơ đồ 4-4-1-1

Vấn đề của UAE là cả hai tiền vệ phòng ngự của họ - thường là số 13 Barman và số 5 Salmeen - đều là những người chơi thiên về cơ bắp. Đây có thể là lựa chọn mang tính chủ động của HLV Van Marwijk, người từng bị chỉ trích bởi đã bắt Hà Lan chơi một thứ bóng đá thực dụng tới xấu xí trái với truyền thống. Nhưng dù thế nào, lựa chọn này cũng khiến UAE gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức lên bóng. Gánh nặng tổ chức và sáng tạo dồn hết lên vai của cầu thủ mang áo số 10, đội trưởng Omar Al Amoodi, thường được gọi là Amoory.

Đó chắc chắn sẽ là cầu thủ mà các hậu vệ và tiền vệ của Việt Nam phải đặc biệt chú ý. Trong cách chơi của UAE, Al Amoodi thường xuất phát ở vị trí số 10, nhưng anh di chuyển tự do để đóng vai trò kết nối. Do khả năng triển khai bóng của hai tiền vệ phòng ngự của UAE là khá hạn chế, Al Amoodi thường phải lùi xuống rất sâu để nhận bóng và tổ chức. Sau đó, khi bóng đã được đưa lên sát với khung thành của đối phương hơn, cũng chính cầu thủ này sẽ là người len lỏi vào những khoảng trống để nhận lại bóng, trước khi thực hiện những đường chuyền mang tính quyết định.

Các bước di chuyển của Al Amoodi khi phối hợp tổ chức tấn công.

Trên đây là một pha bóng khá điển hình của Al Amoodi. Khi UAE tổ chức lên bóng, cầu thủ 28 tuổi này lùi xuống rất sâu, ra hẳn ngoài hệ thống phòng ngự của Thái Lan, để nhận bóng. Từ đây, anh có khá nhiều lựa chọn để phát triển bóng lên phía trên. Cũng trong pha bóng này, khoảng 20 giây sau, khi bóng đã được phát triển sang cánh phải, Al Amoodi âm thầm di chuyển vào khoảng trống giữa hai tuyến của Thái Lan để nhận lại bóng, rồi chuyền xuống cho hậu vệ phải của UAE đang dâng lên chồng biên.

Cách chơi này của Al Amoodi khiến cho việc theo kèm anh trở thành một bài toán khó. Như có thể quan sát được từ tình huống trên, khi Al Amoodi di chuyển vào khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ Thái Lan và trước mặt hàng hậu vệ của họ, anh không bị bất kỳ cầu thủ nào của đội chủ nhà theo sát. Vấn đề này có thể giải quyết được bằng cách cử hẳn một cầu thủ chỉ theo kèm Al Amoodi. Nhưng khi đó lại phát sinh những vấn đề mới. Bằng những pha di chuyển thông minh, Al Amoodi có thể khiến cho hệ thống phòng ngự của đối phương bị "thừa người" ở một khu vực, nhưng lại "thiếu người" ở khu vực khác.

Cách xử lý tốt nhất là thu hẹp khoảng cách giữa tuyến hậu vệ và tuyến tiền vệ, buộc Al Amoodi phải hoạt động ở bên ngoài hệ thống phòng ngự. Khi đó, các hậu vệ của Việt Nam chỉ cần để ý tới những pha di chuyển của các cầu thủ chạy cánh của UAE. Thường thì khi Al Amoodi có thể nhận bóng trong tư thế thoải mái (không bị theo sát, có thể quan sát được khung thành của đối phương), đó chính là tín hiệu để các cầu thủ tấn công của UAE di chuyển ra sau lưng hàng thủ để đón những quả phất bóng qua đầu từ số 10.

Đó cũng là mảng miếng tấn công đáng kể nhất mà UAE đã thể hiện được trong hai trận đấu với Thái Lan và UAE. Có thể thấy, nhất là trận đấu với Thái Lan, là các cầu thủ UAE không phải là những người giỏi xoay xở. Họ tỏ ra khá lúng túng mỗi khi bị áp sát, và thường chọn giải pháp an toàn nhất có thể, là phất bóng lên phía trên. Trong một số trường hợp UAE vẫn có thể tạo ra sóng gió từ những pha bóng như thế này, do các cầu thủ tấn công của họ có tốc độ và khả năng độc lập tác chiến khá ổn. Nhưng đấy không phải là một bài tấn công ổn định, đáng để quá quan ngại.

Trong khi điểm mạnh là chưa được thể hiện rõ ràng, UAE đã kịp cho thấy những điểm yếu chí mạng trong các trận đấu với Malaysia và Thái Lan. Khả năng phòng ngự ở biên của họ là rất tệ. Cả bàn thua mà UAE phải nhận ở vòng loại World Cup 2022 đợt này đều đến từ những pha tấn công biên của đối thủ, với hai trong số đó diễn ra ở biên trái của UAE. Hậu vệ trái của họ, cầu thủ mang áo số 16 Alhusain Saleh, không phải là người nhanh nhẹn. Nhưng đáng nói hơn, anh không nhận được sự hỗ trợ, cả từ các cá nhân (mà cụ thể là tiền vệ trái) lẫn hệ thống.

Cánh trái - điểm yếu nhất trong khâu phòng ngự của UAE.

Có thể thấy rõ những vấn đề của UAE trong tình huống diễn ra ở phút 20 trận gặp Thái Lan trên đây. UAE cố gắng phòng ngự với sơ đồ gồm hai tuyến bốn người giăng ngang có cự ly chặt chẽ. Với cách bố trí này, UAE chấp nhận cho Thái Lan triển khai bóng ra biên. Trên nguyên tắc, khi bóng tới chân cầu thủ Thái Lan nhận bóng ở biên, họ phải có người có khả năng áp sát ngay lập tức. Nhưng đó là điều mà UAE thường xuyên không làm được. Từ đây, hậu vệ cánh của họ bị đặt vào một bài toán quá khó.

Nếu anh ta quyết định rời khỏi hệ thống để áp sát với cầu thủ có bóng của Thái Lan, giữa anh ta với trung vệ gần nhất sẽ có một khoảng trống lớn, mà Thái Lan có thể dễ dàng khai thác với một pha chuyền bóng dọc sân đơn giản. Ngược lại, nếu anh ta chọn giữ vị trí, để không cho cầu thủ ở gần trung lộ của Thái Lan (trong hình là người được highlight) có cơ hội thoát xuống, cầu thủ chạy cánh của Thái Lan sẽ có đủ không gian và thời gian để tung ra những quả tạt có chất lượng. Bàn thua thứ hai của UAE trong trận gặp Thái Lan đến từ một pha bóng như thế.

Ở trận đấu vừa rồi, Thái Lan liên tục khiến cho hệ thống phòng ngự của UAE chao đảo với một bài lên bóng "đơn giản". Tiền vệ cánh của họ sẽ bám biên, lôi kéo hậu vệ cánh của UAE khỏi vị trí. Trong khi đó, một cầu thủ tấn công khác, thường là cầu thủ chơi ở vị trí số 10 Supachok Sarachat sẽ di chuyển tấn công vào khoảng trống giữa hậu vệ cánh và trung vệ lệch của UAE để đón những đường chuyền xuyên tuyến hoặc vượt tuyến từ đồng đội. Theo cách này, Thái Lan không ít lần đưa được bóng tới sát vòng cấm của UAE.

Thái Lan (xanh) dễ dàng khoét sâu vào hàng thủ UAE.

Sở dĩ Thái Lan có thể làm được điều này, là bởi hệ thống phòng ngự của UAE không đủ chặt chẽ và quyết liệt. Tiền vệ cánh của họ không áp sát hoặc áp sát một cách không hiệu quả, nên không ngăn được đối phương quan sát và thực hiện đường chuyền. Trong khi hậu vệ cánh buộc phải rời khỏi vị trí, trung vệ gần anh ta nhất thường tỏ ra chậm chạp trong việc di chuyển lại gần lấp khoảng trống. Hai tiền vệ trung tâm của họ cũng không phát hiện và theo sát cầu thủ di chuyển của Thái Lan, để cho anh ta quá nhiều khoảng trống.

Đấy là một bài tấn công mà Việt Nam có thể thực hiện được, và thực tế đã thực hiện khá nhiều. Hãy tưởng tượng, ví dụ Việt Nam đang lên bóng ở cánh trái. Với ba trung vệ, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua lớp pressing đầu tiên gồm hai cầu thủ tấn công của UAE. Khi đó, Văn Hậu sẽ "neo" ở biên trái, lôi kéo hậu vệ phải của UAE ra phía mình. Một tiền đạo cắm sẽ chọn vị trí đứng để giữ chân hai trung vệ của UAE lại, theo cách Dangda Theerasil của Thái Lan đã làm và làm rất tốt. Văn Toàn hay Quang Hải hoàn toàn đủ tốc độ và sự tinh quái để khai thác những khoảng trống (giữa hai tuyến, giữa vị trí hậu vệ cánh và trung vệ) vừa được tạo ra trong hệ thống phòng ngự của UAE.

HLV Park Hang-seo có thể đã có những toan tính khác. Và tất nhiên, không thể không nhắc tới việc sở dĩ Malaysia hay Thái Lan có thể thao túng và tạo ra nhiều khoảng trống đến vậy trong hệ thống phòng ngự của UAE là bởi họ đã chọn lối chơi chủ động, thông qua việc cố gắng kiểm soát bóng và pressing quyết liệt khi mất bóng. Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo không phải là đội chơi kiểm soát bóng một cách chủ động. Nếu chúng ta để cho UAE kiểm soát thế trận, thì có thể họ sẽ thể hiện một bộ mặt khác. Và khi đó chúng ta sẽ lại phải có những phương án khác.

Комментарии