Bình luận, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội: Hùa theo thông tin bóp méo, xấu độc có thể gây ra tội ác

Bình luận · 712 Lượt xem

Những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dù ảo hay không cũng đều để lại những hậu quả thật, bởi một bộ phận không nhỏ người tham gia luôn tùy tiện, cao hứng để thể hiện cái tôi hay “sự thông thái” chưa “có đất??

Bức tranh nhiễu loạn trên mạng xã hội

Ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội đến đời sống là điều không thể phủ nhận, chẳng hạn như việc cộng đồng mạng kêu gọi chung tay ủng hộ một cháu bé có hoàn cảnh khó khăn nhưng mắc bệnh hiểm nghèo hay sự lan truyền của những thông tin tốt, những tấm gương tốt trên phạm vi rộng lớn và tốc độ “chóng mặt”, giúp cho hoạt động quảng cáo, truyền thông, thương mại điện tử… phát triển nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội ngày càng bị lợi dụng để phát tán những thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng, lôi kéo đông đảo người tham gia bởi sự hiếu kỳ, tò mò. Giữa bạt ngàn thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, những thông tin có mục đích xấu lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với đám đông.

Vụ việc gần đây nhất là một nữ doanh nhân lái xe gây tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh). Rất nhanh sau đó, cư dân mạng đã "truy lùng" và khẳng định chắc nịch người điều khiển chiếc xe BMW này là Giám đốc khối của một ngân hàng. Liên tiếp những lời chỉ trích, chửi rủa “dậu đổ bìm leo” được đưa ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh cá nhân của người bị "gán" tội.

Sáng hôm sau, nữ doanh nhân “đóng thế” bất đắc dĩ đã phải chụp ảnh tại phòng làm việc và khẳng định đang ở Hà Nội và chỉ trùng tên với người đã gây tai nạn ở TP.HCM. Dù nữ cán bộ ngân hàng đã được minh oan song những bình luận ác ý không dễ quên đi.

Một vụ việc khác gây xôn xao mạng xã hội gần đây là cô gái tên M. ở Anh Sơn, Nghệ An đã đăng tải thông tin bị bạn trai ruồng bỏ đã phải tìm tới cái chết đau đớn bằng cách uống thuốc sâu. Nhưng sự thật đằng sau thông tin này là cô gái tên M. không hề tự tử. Cô chỉ dựng chuyện để “trả đũa” người yêu.

Rõ ràng, từ một thông tin thiếu kiểm chứng, đám đông thiếu ý thức trên mạng xã hội đã gây ra hậu quả đối với đời thực.

Bình luận về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, mạng xã hội hiện nay cho thấy một bức tranh nhiễu loạn của xã hội.

“Sự vô cảm, ích kỷ lên ngôi và các giá trị văn hóa đang dần bị đảo lộn, những con số đó cũng tương thích về mặt đạo đức, đạo lý xã hội. Mạng xã hội có tính tự do, vậy nên khó mà kiểm soát được những phát ngôn trên đó. Cho nên, việc ăn nói loạn xạ hay tình trạng vùi dập, ném đá một người nào đó xuất hiện tràn lan gây ra những nguy hiểm nhất định" - ông Trịnh Hòa Bình nêu ý kiến.

Đừng hoang tưởng trên mạng xã hội

Theo thống kê mới nhất năm 2018 của We Are Social- một công ty toàn cầu chuyên tư vấn và nghiên cứu về truyền thông xã hội, Việt Nam hiện có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ bảy trên thế giới.

Trung bình một người sử dụng mạng xã hội Việt Nam dành 2 giờ 37 phút mỗi ngày cho mạng xã hội. Điều đó cho thấy mạng xã hội ngày càng đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.

Tuy nhiên, khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc chiếm 37,01%... Những con số trên cho thấy, nâng cao trách nhiệm, ý thức, nhận thức của người tham gia mạng xã hội là việc làm rất cần thiết.

Phân tích về cách thức phát ngôn vô trách nhiệm của một số cá nhân khi tham gia mạng xã hội, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Những phát ngôn này trước tiên là gây ra sự hồ nghi, mất lòng tin của con người đối với xã hội với các cá nhân, tổ chức.

Sau đó, chúng có thể gây ra sự nhiễu loạn, khiến xã hội mất ổn định, con người trở nên nghi kỵ lẫn nhau, tạo nên sự hận thù cho nhau; khiến cộng đồng có cái nhìn tiêu cực về xã hội, cho rằng những điều tốt đẹp dường như không còn tồn tại nữa, mà chỉ thấy những mặt tệ hại, xấu xa. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tính cấu kết bền vững của xã hội, khiến con người mất đi sự nhiệt tình trong việc chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, để ngăn chặn các thông tin này, bên cạnh việc dùng các biện pháp kỹ thuật, gốc vấn đề vẫn là giáo dục con người từ gia đình và nhà trường, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cần giáo dục thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm xã hội mỗi khi phát ngôn. Mỗi khi nhấp chuột hay ấn nút like, bình luận thì cần phải suy nghĩ kỹ, bởi đôi khi không suy xét kỹ vấn đề mà lăng xê hoặc hùa theo đám đông cũng là tội ác… 

Đồng quan điểm này, một chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên cũng cho biết, rất nguy hiểm khi một thế hệ hoang tưởng về quyền lực ảo của mình đối với xã hội được sinh ra.

“Khi giá trị chất xám thực sự không có, họ cũng không bắt tay trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có ích cho xã hội, chỉ với trò giật sốc câu view nếu có “nổi” cũng là nhất thời, còn sau chìm nghỉm rước họa lúc nào không hay”- vị chuyên gia nói.

Bình luận