Đã đăng: 5 năm
Tròn 20 năm trước, có lần tôi hỏi anh tùy viên văn hóa báo chí ở Đại sứ quán Mỹ năm nay sẽ nghỉ Giáng sinh ở đâu. Anh ấy nói ở nhà. Tôi hỏi lại: anh về Mỹ à? Anh bảo: "Không, Hà Nội chứ. Đối với tôi và vợ tôi bây giờ, Hà Nội là nhà".
Giờ đây, nếu người Mỹ nào nói Việt Nam là nhà của họ, tôi đã không quá ngạc nhiên. Nhưng đó là năm 1999, chỉ năm năm sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Năm đó, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM mới khai trương và các nỗ lực của cả hai bên nhằm giới thiệu "Việt Nam là một thị trường, không phải là một chiến trường" mới đang bắt đầu.

Lúc này, các phóng viên đang chạy đua đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. Trong khi hai thập kỷ trước, các sự kiện trong khuôn khổ quan hệ Việt - Mỹ phần lớn vẫn là các hoạt động liên quan tới việc khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Sự hiện diện tích cực nhất từ phía Mỹ không phải là các thương hiệu thu hút giới trẻ Việt Nam, mà là Văn phòng Tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích (POW/MIA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Rồi hài cốt các quân nhân Mỹ hồi hương về đất mẹ, cùng lúc các cựu binh Mỹ thăm các viện nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam...

Người Mỹ có câu "Để nhảy tango cần hai người", ý nói để dệt nên những điều đẹp đẽ luôn cần nỗ lực của cả hai phía nhằm đạt được các giải pháp đôi bên cùng có lợi. Biết vậy, nhưng không phải là điều dễ sớm xảy ra cho bất cứ bên nào. Những nền móng đầu tiên của việc bình thường hóa quan hệ, ngưỡng cửa hòa bình chỉ thực sự được mở ra khi hai bên cùng có niềm tin vào thiện ý của nhau...

Để Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp mang tính kiến tạo hòa bình cho thế giới như bây giờ, câu chuyện hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại cảm hứng cho nhiều giới, nhiều phía. Những chính trị gia và kinh tế gia cổ vũ cho tiến trình toàn cầu hóa luôn lấy Việt Nam làm ví dụ sống động về sự thành công của một đất nước đã nỗ lực không mệt mỏi với những bước nhảy tango dò dẫm đầu tiên để tiến một bước dài vào các sân chơi quốc tế, cả trên mặt trận kinh tế lẫn ngoại giao.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un được chào đón nồng ấm tại Hà Nội. Có lẽ hai nhà lãnh đạo tìm thấy ở Việt Nam một sự hấp dẫn nào đó có thể tham chiếu cho những hoạch định tương lai ở bán đảo Triều Tiên. Đối với nhà lãnh đạo Mỹ, có thể ông muốn cho người đồng cấp từ Triều Tiên thấy hai nước Việt - Mỹ từ cựu thù thành bạn như thế nào.

Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông có thể quan tâm tới các chính sách kinh tế cởi mở của Việt Nam. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tới cuối năm ngoái, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 61 tỉ USD vào Việt Nam. Ông Kim chắc hẳn không bỏ qua các chi tiết này.

Cả thế giới đang kỳ vọng về một hiệp định hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm thay thế hiệp định đình chiến năm 1953, có thể khởi nguồn từ những cái bắt tay tại Hà Nội. Rồi một ngày không xa, một cán bộ ngoại giao Mỹ nào đó có thể nói: Bình Nhưỡng đối với tôi bây giờ là nhà.

Hà Nội có thể làm được. Các bạn cũng có thể làm được.
Chia sẻ trên dòng thời gian